Bạn có bị bệnh hưng cảm?

Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Duy
Pha đối nghịch lại với trầm cảm là hưng cảm. Trầm cảm và hưng cảm đều thuộc nhóm rối loạn khí sắc. Tham khảo những dấu hiệu sau có thể giúp bạn tự nhận biết mình hoặc người thân có đang bị hưng cảm hay không.

* Người bị bệnh hưng cảm có từ 3-4 dấu hiệu sau và các dấu hiệu này kéo dài ít nhất là 1 tuần.
-        Khí sắc có sự thay đổi theo hướng gia tăng: Người bị chứng hưng cảm thường cản thấy vui vẻ, tràn trề sinh lực và đánh giá mọi thứ đều tốt.
-        Đánh giá bản thân quá cao: Người mắc chứng hưng cảm luôn đề cao bản thân, tự cho mình là có tài năng, có thể làm được mọi thứ và rất tin tưởng vào thành công của mình mặc dầu người khác thấy điều đó thiếu thực tế.
-        Giảm nhu cầu ngủ so với trước: Khi bị hưng cảm, bạn thường cảm thấy không cần ngủ nhiều, chỉ cần ngủ vài giờ/ngày là đủ, hay làm việc đêm.
-        Nói nhiều: Người mắc chứng hưng cảm nói rất nhiều, dường như họ bị thôi thúc phải nói liên tục, thậm chí là cướp lời người khác trong khi giao tiếp.
-        Nhịp độ tư duy tăng: Xuất hiện nhiều ý tưởng dồn dập trong đầu, người bệnh hết sáng tạo trong vấn đề này chưa xong đã nghĩ và chuyển ngay sang vấn đề khác nên không hoàn tất được một việc gì từ đầu đến cuối. Tư duy phê phán thì giảm rõ rệt.
-        Dễ bị kích thích/kích động, nóng giận từ những kích thích không quan trọng bên ngoài, trong cơn kích động người bị bệnh có thể chửi mắng, đánh đập hoặc thậm chí có thể giết người. Người bị bệnh trầm cảm thì nguy cơ tự hủy hoại bản thân mình/tự tử cao hơn. Còn người bị chứng hưng cảm thì nguy cơ làm tổn hại tới người khác nhiều hơn.
-        Hoạt động gia tăng rõ rệt: trong lĩnh vực học tập, nghề nghiệp và đời sống.
-        Tiêu tiền một cách quá mức: sẵn sàng đầu tư vào những dự án mà không cần biết là nó khả thi hay không, cho tiền hoặc bất cứ thứ gì mình có cho người khác, mua sắm rất nhiều thứ không cần thiết
-        Vận động gia tăng: thân chủ luôn vận động, không thể ngồi yên một chỗ.
-      Hoạt động tình dục gia tăng: hay đề cập đến những vấn đề mang tính khiêu dâm, dễ dàng quan hệ tình dục với người mới quen.
* Những đặc điểm trên làm cho thân chủ không thể tập trung tốt vào công việc và có sự giảm sút rõ rệt về chất lượng học tập hay công việc và đời sống.
Nếu như các cơn/giai đoạn bệnh trầm cảm hay hưng cảm lần lượt nối tiếp nhau, giữa các cơn này khí sắc trở lại bình thường (cân bằng). Cuộc sống của người bị bệnh này giống như con sóng biển, lúc lên (hưng cảm), lúc xuống (trầm cảm), lúc yên bình (cân bằng) thì sẽ được chẩn đoán là Rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
Hưng cảm là căn bệnh có thể chữa được. Tuy nhiên, đó là một quá trình trị liệu có sự kết hợp cả y học và tâm lý trị liệu. Khi có những dấu hiệu của chứng hưng cảm bạn nên đến các bệnh viện tâm thần, trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần, các bác sĩ tâm thần và các nhà trị liệu tâm lý để được hướng dẫn phương pháp vượt qua căn bệnh này. Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ khi cần thiết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét