Để có cảm xúc lành mạnh


Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Duy
Cảm xúc đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người. Chúng ta đang cảm thấy thoải mái hay khó chịu… tất cả đều xuất phát từ yếu tố cảm xúc. Buồn, giận, thương, ghét … là những cảm xúc cơ bản mà chúng ta thường gặp.
Vậy làm thế nào để có cảm xúc lành mạnh?
1. Tư duy tích cực sẽ có cảm xúc lành mạnh:
Tư duy, cảm xúc và hành vi luôn gắn bó mặt thiết, chi phối lẫn nhau theo cách “phản ứng dây chuyền”. Sự thay đổi của một trong ba yếu tố trên sẽ dẫn đến sự thay đổi hai yếu tố còn lại. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy cảm xúc xuất phát từ tư duy. Nếu bạn ghi lại tất cả những điều mà mình đã nghĩ về bản thân và người khác trong một ngày, bạn sẽ khám phá ra một điều thật thú vị. Dường như trong 24 tiếng đồng hồ ấy, chúng ta nghĩ về những điều tiêu cực nhiều hơn là những điều tích cực. Khi chúng ta nghĩ về những điều tiêu cực dẫn đến cảm xúc và hành vi của chúng ta cũng sẽ tiêu cực. Vì vậy, để có cảm xúc lành mạnh thì nguyên tắc đầu tiên là bạn phải tư duy tích cực và lựa chọn những điều tích cực thay vì chú tâm và những điều tiêu cực.
2. Dành thời gian chăm sóc bản thân:
Ngày nay, nhiều bạn trẻ bị cuốn theo vòng xoáy của công việc đến nỗi không còn thời gian để chăm sóc bản thân. Tất cả chúng ta chỉ nghĩ là làm sao kiếm cho được nhiều tiền và có những mối quan hệ tốt đẹp mà chúng ta lại quên rằng bản thân chúng ta tốt lên thì tất cả các mối quan hệ cũng sẽ tốt lên. Việc chăm sóc bản thân sẽ giúp bạn cảm nhận được rằng bản thân bạn thật sự có giá trị và điều đó sẽ giúp bạn tự tin hơn trong giao tiếp và công việc. Hãy nhớ rằng, chính bản thân bạn còn không quý trọng, không yêu chính mình thì không ai có thể quý trọng và yêu bạn. Vì thế, hãy dành thời gian thư giãn, nghe nhạc, đi shopping, tập thể dục, chơi thể thao, ăn những món mình thích, … sẽ giúp bạn cảm thấy yêu đời hơn.
3.Tìm kiếm sự hài hước trong công việc và cuộc sống:
Hài hước sẽ giúp bạn giảm bớt sự căng thẳng trong cuộc sống và những áp lực trong công việc. Bạn hãy dành một ít thời gian trong ngày đọc những mẩu chuyện vui, xem những bộ phim hài và tìm kiếm những điều mang lại tiếng cười từ công việc và cuộc sống.
4. Thừa nhận những thành công mà mình đã đạt được:
Hãy nghĩ về những điều mà bạn đã đạt được và hãy thành thật với cảm xúc của chính mình. Bạn không cần phải tỏ vẻ quá khiêm tốn khi người khác khen ngợi những thành công của bạn. Khi gặp những tình huống như thế hãy nói “cảm ơn” và cảm nhận sự vui sướng về thành quả mà mình đã đạt được. Khi đạt được một điều gì đó, bạn hãy thưởng cho chính mình mặc dù những điều đạt được rất đơn giản như: đạt điểm cao, giải được một bài toán khó… Những điều đó sẽ giúp bạn phấn chấn và thoải mái hơn.
5. Tha thứ:
Giận dữ, ghét, căm thù… là những cảm xúc tiêu cực. Vì thế, nếu bạn lưu giữ các cảm xúc tiêu cực trên sẽ không tốt cho bản thân. Khi gặp những khó khăn, hãy đương đầu với thực tế để giải quyết vấn đề, né tránh không phải là cách giải quyết tốt nhất. Bạn phải biết chấp nhận một khi không thể thay đổi chúng và phải biết tha thứ cho người khác và cho cả bản thân bạn nữa khi phạm phải những sai lầm. Tha thứ sẽ giúp bạn bao dung hơn, nhẹ nhàng và bình an hơn.
6. Bày tỏ cảm xúc của bản thân:
Chúng ta thường có thói quen che dấu cảm xúc. Điều này một phần xuất phát từ yếu tố văn hoá của dân tộc. Che dấu vì sợ người khác biết cảm xúc thật của mình, sợ người khác buồn, sợ người khác phật lòng…Tuy nhiên, cảm xúc tiêu cực đặc biệt là cảm xúc giận dữ nếu bị dồn nén vào bên trong sẽ dễ dàng khiến bạn rơi vào trạng thái trầm cảm. Cảm xúc tiêu cực bị dồn nén quá lâu có thể dẫn đến những bệnh về thực thể như: đau đầu, đau răng…Nguyên nhân của xự xung đột và chia tay trong các mối quan hệ là do thiếu sự thông hiểu lẫn nhau và điều này xuất phát từ việc che dấu cảm xúc thật. Đôi khi chúng ta sống với nhau bằng cảm xúc giả tạo nhiều hơn là cảm xúc thật. Hãy bày tỏ những gì mà bạn cảm thấy với người khác, nếu không thể bày tỏ trực tiếp được bạn hãy bày tỏ qua thư hay qua nhật ký… Bày tỏ cảm xúc sẽ giúp bạn lấy lại trạng thái cân bằng của  cảm xúc.
7. Tắm nước nóng:
Tắm nước nóng sau một ngày làm việc hoặc trước khi đi ngủ và uống một ly sữa sẽ giúp cơ thể bạn thư giãn tốt hơn và bạn sẽ dễ đi vào giấc ngủ hơn.
8. Có một kế hoạch cho tương lai:
Nếu cuộc đời không có mục tiêu, lý tưởng sống bạn sẽ cảm thấy mất phương hướng và dễ nảy sinh những cảm xúc chán nản. Hãy lập những mục tiêu và hệ thống mục tiêu cho cuộc đời của bạn ra giấy và tiến hành thực hiện từng mục tiêu bạn sẽ thấy sự rõ ràng cho định hướng phát triển bản thân. Tuy nhiên, mục tiêu mà bạn đưa ra phải là những điều có thể thực hiện được và không quá sức đối với bản thân bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét