Thạc
sĩ tâm lý Ngô Minh Duy
Trong suốt 49 năm thuyết pháp độ sanh của
mình, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tuyên thuyết rất nhiều bộ kinh với mục đích
chính là điều trị tâm bệnh và đem đến sự an lạc, giải thoát cho thân và tâm. Với
góc nhìn và cách tiếp cận của một nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà tâm lý trị
liệu khi nghiên cứu Phật học tác giả nhận thấy, những bộ kinh mà đức Phật đã
thuyết là những liệu pháp tâm lý cực kỳ hiệu quả
cần được nghiên cứu và ứng dụng nhằm đem lại sự an lạc trong đời sống. Các bộ kinh nổi tiếng mà đức Phật đã đề cập thẳng đến chữ Tâm đó là: Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Kinh Kim Cang, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Cú…
cần được nghiên cứu và ứng dụng nhằm đem lại sự an lạc trong đời sống. Các bộ kinh nổi tiếng mà đức Phật đã đề cập thẳng đến chữ Tâm đó là: Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Kinh Kim Cang, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Cú…
Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu
và ứng dụng Kinh Kim Cang trong hoạt động tham vấn và trị liệu tâm lý cho những
thân chủ có tâm bệnh, tác giả nhận thấy, sau khi được điều trị bằng liệu pháp
này, thân chủ đã có những biến đổi khá tích cực, giải quyết vấn đề tận gốc và
khả năng tái phát rất ít. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày Kinh
Kim Cang như một liệu pháp tâm lý dùng để điều trị tâm bệnh cho con người và tạm
gọi là LIỆU PHÁP AN TRỤ VÀ HÀNG PHỤC TÂM mà bản thân tác giả đã lĩnh hội và ứng
dụng thành công. Nếu quý vị muốn nghiên cứu bộ kinh này, vui lòng tải tài liệu từ đây.
1.
Khái lược về Kinh Kim Cang và nguyên lý nảy sinh tâm
bệnh theo Kinh Kim Cang
1.1.
Khái lược về
Kinh Kim Cang
Kinh Kim Cang hay còn được gọi là kinh
Kim Cương do đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết bằng tiếng Phạn. Về sau, kinh Kim
Cang được truyền qua Trung Quốc và được phiên dịch sang chữ Hán. Kinh Kim Cang
được nhiều học giả nghiên cứu và phiên dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt như: hòa
thượng Thích Trí Tịnh, hòa thượng Thích Thiện Hoa, thượng tọa Huệ Hưng… Trong
các bản dịch sang tiếng Việt, bản dịch và giảng giải của hòa thượng Thích Thanh
Từ giúp người đọc dễ lĩnh hội tinh thần của kinh Kim Cang nhất.
Kinh Kim Cang có tên đầy đủ là Kim Cang
Bát-nhã Ba-la-mật. Kim Cang là chất cứng và có thể phá hoại các thứ khác mà các
loại khác không thể phá lại nó. Bát-nhã là trí tuệ, loại trí tuệ này trong nhà
Phật giúp con người thấu rõ chính xác bản chất của tất cả các sự vật, hiện tượng.
Ba-la-mật có nghĩa là “đến bờ giải thoát” hay “giải quyết tận gốc rễ vấn đề”.
Như vậy, người có trí bát-nhã là người thấy đúng lẽ thật, thấy đúng bản chất của
sự vật, hiện tượng từ đó dẹp tan được mê lầm chấp trước để giải thoát thân và
tâm. Trong bộ kinh này, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã trình bày rất nhiều vấn đề,
tuy nhiên phương pháp an trụ tâm và hàng phục tâm là những nội dung mà
nhà tham vấn/nhà trị liệu tâm lý và chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần nên
nghiên cứu, tìm hiểu.
1.2.
Nguyên lý nảy
sinh tâm bệnh theo Kinh Kim Cang
Theo quan điểm chung của Phật giáo,
nguyên nhân chính dẫn đến tâm bệnh (khổ) là do vô minh. Vô minh là không sáng
suốt, không hiểu rõ bản chất vấn đề, không thấy đúng lẽ thật. Tư tưởng này cũng
thể hiện rõ trong Kinh Kim Cang. Theo Kinh Kim Cang, tâm bệnh phát sinh là do
chúng ta không an trụ và hàng phục được tâm mình. Vì thế, đức Phật đã hướng dẫn
phương pháp an trụ và hàng phục tâm để điều trị tâm bệnh.
a)
Phương pháp hàng
phục tâm
Theo
đức Phật, khi tiếp xúc với cảnh vật, với người hoặc với vật thì niệm (ý nghĩ)
trong tâm trí chúng ta sẽ phát sinh. Mỗi một niệm (ý nghĩ) trong tâm xuất hiện,
chúng ta liền biết nó giả chứ không thật và ý nghĩ đó liền lắng xuống. Tại sao
lại là giả mà không phải là thật? Muốn hiểu rõ vấn đề này, chúng ta cần phải
tìm hiểu triết lý nhân duyên trong Phật giáo.
Theo
thuyết nhân duyên, vạn vật là do duyên sanh và cũng là do duyên diệt. Khi hội đủ
các duyên thì hình thành nên sự vật, hiện tượng, con người và cả vũ trụ này.
Khi hết duyên rồi thì tan rã trở về với cát bụi vô thường. Ví dụ: Muốn có cái
bàn thì phải có gỗ, có đinh, có tác động cưa, đục, đẽo, đóng, ráp của người thợ
mộc để tạo thành các bộ phận của cái bàn, lắp chúng lại với nhau mới hình thành
cái bàn. Sự kết hợp này được gọi là “duyên sanh”. Nhờ các duyên hội đủ mà có
cái gọi là “cái bàn”. Khi các bộ phận của cái bàn đã hư hoại không còn hình tướng
là cái bàn nữa đó là duyên diệt.
Con
người chúng ta cũng vậy, theo lý nhân duyên, con người chúng ta bản chất là do 4
yếu tố chính (tứ đại) hợp thành (đất, nước, gió, lửa). Yếu tố đất: thịt, xương,
các bộ phận trên cơ thể; nước: máu huyết, nước tiểu…; gió: hơi thở; lửa: hơi ấm
của nhiệt độ cơ thể. Nếu các yếu tố này duyên với nhau sẽ hình thành sự sống. Nếu
một trong 4 yếu tố này không còn (duyên diệt) thì sự sống không còn, con người
cũng trở thành cát bụi. Như vậy, sự sống của con người cũng như vạn vật trong
vũ trụ có bản chất là do duyên sanh chứ chúng đâu có thực có. Cái có đó chỉ là
tạm bợ trong một khoảng thời gian nhờ duyên thôi, vậy mà chúng ta chấp thân này
là có thật. Chấp thân này là có thật nên những lời nói và hành động của người
khác đối xử với chúng ta chúng ta cũng xem là thật nên chúng ta đau khổ, buồn
bã, giận, hờn, thương, ghét… Tư tưởng “sắc tức thì không, không tức thị sắc”
trong Kinh Bát Nhã chính là ở chỗ này.
Người
hiểu và hành trì Kinh Kim Cang thì phải nhận thức cái thân xác của mình là tạm
có do nhân duyên chứ không phải thực có nên không thể tồn tại vĩnh viễn được.
Cái thân này còn không thật có thì những lời nói, hành vi của người khác với
mình thì cũng chỉ là đồ giả hơi đâu mà chấp, hơi sức đâu mà bận tâm. Làm được
như thế thì chúng ta đã dần hàng phục được tâm mình.
1.3.
An
trụ tâm
Theo đức Phật, tâm chúng ta loạn động, chúng ta đau khổ là vì bị dính với
6 yếu tố (nhà Phật gọi là 6 trần): màu sắc/hình dáng (sắc); âm thanh
(thanh); mùi hương (hương); mùi vị (vị); cảm giác: cứng mềm, nóng, lạnh (xúc);
những hình ảnh, màu sắc, hương vị, cảm giác được lưu lại từ 5 loại trên (pháp).
Chúng ta không trụ được tâm là vì tâm chúng ta dính mắc với 6 yếu tố này. Vì vậy,
muốn an trụ tâm thì chúng ta phải buông xã, không dính mắc tới sáu yếu tố này nữa.
Bởi vì, 6 yếu tố này cũng như thân chúng ta và vạn vật trong vụ trụ đều là
không thật có. Có nghĩa là, ai chửi chúng ta chúng ta không thèm chấp vào những
lời chửi mắng đó (không trụ nơi thanh) vì chúng ta đã hiểu được bản chất của tất
cả các sự vật hiện tượng trong vụ trụ này là do nhân duyên. Cái thân của người
đó còn không thật thì những lời chửi bới đó đâu có thật, không có thật thì chấp
làm chi, buồn giận làm chi? Như vậy, không trụ tức là trụ (không dính mắc với 6
yếu tố trên) tức là chúng ta đã an trụ được tâm mình.
2.
Phương pháp tham vấn và trị liệu tâm lý theo liệu
pháp An trụ và hàng phục tâm
Tiến trình tham vấn và trị liệu tâm lý
theo Liệu pháp An trụ và hàng phục tâm được tiến hành theo các bước sau:
2.1.
Thiết lập mối
quan hệ tin cậy trong tham vấn/trị liệu tâm lý
Đây là giai đoạn khá quan trọng trong
nhiều liệu pháp. Nhà tham vấn/trị liệu cần thiết lập mối quan hệ hỗ trợ tin cậy
theo đúng nghĩa của nó và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức hành nghề. Mối quan hệ
tin cậy được thiết lập có tác dụng tăng niềm tin và làm giảm tính phòng vệ của
thân chủ. Điều này có tác dụng không nhỏ đến kết quả tham vấn/trị liệu.
2.2.
Giải tỏa cảm xúc
tiêu cực
Thân chủ khi gặp khó khăn thường bị ức
chế về cảm xúc. Một khi cảm xúc bị ức chế sẽ làm cho khả năng nhận thức và điều
chỉnh nhận thức bị hạn chế. Một ly nước đã đầy thì dù bạn có rót cỡ nào đi
chăng nữa thì nước vẫn tràn ra khỏi ly và chảy lênh láng. Vì thế, muốn rót nước
vào ly, bạn phải lấy bớt nước trong ly ra ngoài.
Vì thế, nhà tham vấn/trị liệu cần phải
giải tỏa cảm xúc cho thân chủ trước để tiến trình tham vấn/trị liệu diễn ra thuận
lợi và đạt được nhiều thành tựu. Để làm được việc này, nhà tham vấn trị liệu có
thể dùng kỹ thuật trò chuyện không định hướng trong tham vấn/trị liệu theo trường
phái Thân chủ trọng tâm của Carl Rogers hoặc kỹ thuật chiếc ghế trống của liệu
pháp Gestalt hoặc là kỹ năng bày tỏ cảm xúc.
2.3.
Giúp thân chủ hiểu
rõ triết lý nhân duyên
Sau khi đã thiết lập được mối quan hệ
tin cậy và giải tỏa cảm xúc tiêu cực cho thân chủ. Nhà tham vấn trị liệu bắt đầu
công việc giúp thân chủ nhận thức về triết lý nhân duyên của Phật giáo. Mục
tiêu chính ở giai đoạn này là thân chủ phải nhận thức được rằng, vạn vật trong
vũ trụ, kể cả con người chúng ta là không thật có mà đó chỉ là sự tồn tại do
nhân duyên nên chỉ mang tính chất tạm bợ và không thể tồn tại vĩnh viễn được.
Đây là giai đoạn tốn khá nhiều thời gian
trong tiến trình tham vấn/trị liệu. Bởi vì, quan niệm của thế gian, cái gì vốn
hữu hình là thật có. Vậy mà nhà tham vấn/nhà trị liệu phải giúp thân chủ suy
nghĩ ngược lại quan niệm này. Đây cũng là một trong những lý do tại sao sau khi
đức Phật thành đạo ngài chỉ ngồi tại gốc cây mà không đi thuyết pháp độ sanh. Bởi
vì ngài nhận thấy rằng, chúng sanh bị yếu tố vô minh che lấp trí tuệ nên đau khổ
và muốn thay đổi là điều này là việc làm không phải dễ. Trong giai đoạn này,
nhà tham vấn/nhà trị liệu cần gợi mở và dẫn chứng những ví dụ cho thân chủ nhận
thức vấn đề. Ở giai đoạn này, nếu thành công, thân chủ sẽ có sự thay đổi đáng kể
trong nội tâm.
Đây là một thay đổi rất lớn trong nội
tâm vì thế, cảm giác bất an, lo lắng của thân chủ sẽ xuất hiện. Sự khuyến khích
và động viên của nhà tham vấn/nhà trị liệu trong giai đoạn này là rất cần thiết.
Giai đoạn này có thể kéo dài tối thiểu từ 4-9 phiên/buổi tham vấn/trị liệu.
2.4.
Đưa triết lý
nhân duyên vào việc nhìn nhận vấn đề khó khăn mà thân chủ đang gặp phải
Sau khi thân chủ đã nhận thức đầy đủ, hiểu
khá nhiều về triết lý nhân duyên. Nhà tham vấn/nhà trị liệu dùng triết lý này
giúp thân chủ nhìn lại bản thân mình, vấn đề khó khăn mình đang gặp phải để tìm
ra nguyên nhân phát sinh vấn đề. Mục tiêu của giai đoạn này là giúp thân chủ nhận
thức được rằng mình không an trụ và hàng phục được tâm của chính mình bởi vì
thân chủ vẫn còn chấp “có” và thân chủ còn dính mắc với 6 yếu tố như đã đề cập ở
trên (lục trần). Thân chủ sẽ khám phá được căn nguyên của khó khăn mình đang gặp
phải và cách thay đổi nó để giải quyết vấn đề.
2.5.
Hướng dẫn thân
chủ thực hành phương pháp an trụ và hàng phục tâm
Đến giai đoạn này, nhà tham vấn/nhà trị
liệu hướng dẫn và giải thích cách thức thực hiện biện pháp an trụ và hàng phục
tâm. Thực hành phương pháp này trong cuộc sống thường nhật trong một khoảng thời
gian để hình thành thói quen mới trong suy nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề trong cuộc
sống.
2.6.
Lượng giá và kết
thúc tiến trình tham vấn/trị liệu tâm lý
Đây là bước cuối cùng trong tiến trình
tham vấn/trị liệu tâm lý theo liệu pháp này. Ở giai đoạn này, nhà tham vấn/nhà
trị liệu giúp thân chủ nhận thức tiến trình đã trải qua, từ nhu cầu ban đầu của
thân chủ và kết quả ở hiện tại, chúc mừng những thành công của thân chủ và tái
cam kết hỗ trợ và nâng đỡ thân chủ khi vấn đề tái phát.
3.
Hạn chế của liệu pháp An trụ và hàng phục tâm
Như đã trình bày ở trên, liệu pháp An trụ
và hàng phục tâm được đúc kết từ Kinh Kim Cang-một bộ kinh khá nổi tiếng của Phật
giáo. Vì thế, liệu pháp này sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể cho những thân chủ
là Phật tử (người theo đạo Phật) và cả những thân chủ theo chủ nghĩa vô thần.
Tuy nhiên, với những thân chủ thuộc tôn giáo khác có tư duy kỳ thị tôn giáo thì
rất khó hoặc không thể dùng được. Nếu dùng liệu pháp này cho thân chủ có tư tưởng
kỳ thị tôn giáo, thân chủ đó sẽ khó tiếp nhận và sẽ bị “dội”. Tiến trình tham vấn/trị
liệu có nguy cơ bị gián đoạn. Nhà tham vấn/nhà trị liệu cũng phải là người có am hiểu về kiến thức Phật học và sống được với tinh thần của Kinh Kim Cang.
4.
Kết luận
Chúng ta không bàn nhiều đến khía cạnh tôn giáo
của Kinh Kim Cang trong liệu pháp này. Là một nhà khoa học, một người làm công
tác tham vấn và trị liệu tâm lý, chúng ta cần phải tìm kiếm những phương pháp
tác động tích cực từ các liệu pháp khác nhau nhằm hỗ trợ và nâng đỡ cho tiến
trình phục hồi và giải quyết khó khăn (tâm bệnh) của thân chủ. Trên đây là kết
quả bước đầu trong việc ứng dụng liệu pháp An trụ và hàng phục tâm trong công
tác tham vấn/trị liệu tâm lý của tác giả xin được chia sẻ với những ai quan tâm
đến lĩnh vực tham vấn và trị liệu tâm lý. Tác giả rất mong nhận được những đóng
góp ý kiến từ các nhà chuyên môn, các nhà tham vấn/nhà trị liệu tâm lý và các bậc
thiện hữu tri thức để liệu pháp này ngày càng hoàn thiện hơn.
Hoan hỷ thấy người con Phật học và hành đúng nghĩa PG độ sanh chớ không độ tử và phụng sự chúgn sanh là cúng dường Chư Phật, thật đáng khen .....
Trả lờiXóaMô phật! Chúc bạn luôn an lạc!
Trả lờiXóa