Rối loạn cảm xúc lưỡng cực



Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Duy
1.Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là gì?
Theo Sổ tay thống kê và chẩn đoán các rối loạn tâm thần (DSM-IV) thì Rối loạn cảm xúc lưỡng cực (RLCXLC) thuộc nhóm Rối loạn khí sắc và là một trong những bệnh tâm thần khá phổ biến trên thế giới với đặc trưng là cảm xúc không ổn định và bệnh nhân/khách hàng không kiểm soát được cảm xúc của bản thân.
RLCXLC có 2 giai đoạn cơ bản: giai đoạn hưng cảm, giai đoạn trầm cảm, một số ít bệnh nhân/khách hàng tồn tại cả 2 giai đoạn cùng lúc (vừa hưng cảm và trầm cảm. Tùy thuộc vào từng giai đoạn mà triệu chứng có sự khác nhau và mang tính chất chu kỳ. Hầu hết các bệnh nhân/khách hàng có RLCXLC thường không thừa nhận là mình đang bị bệnh và không chấp nhận yêu cầu đi chữa bệnh hoặc uống thuốc điều trị.
2. Làm thế nào để biết mình hoặc người thân đang bị Rối loạn cảm xúc lưỡng cực?
Bệnh nhân/khách hàng được chẩn đoán là RLCXLC khi hiện tại có các dấu hiệu của Rối loạn trầm cảm hoặc Rối loạn hưng cảm nhưng trước đây có dấu hiệu của pha ngược lại. Ở giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm, bệnh nhân/khách hàng có các triệu chứng của Rối loạn hưng cảm hoặc Rối loạn trầm cảm. Ở giai đoạn hỗn hợp, bệnh nhân/khách hàng có các triệu chứng đan xen giữa 2 rối loạn này. (Vui lòng xem thêm triệu chứng của 2 rối loạn này trong các bài viết trước). Ngoài ra, bệnh nhân/khách hàng còn có một số triệu chứng loạn thần kèm theo như: hoang tưởng (bị hại; bị theo dõi; được yêu; tự cao, phát minh) và ảo thanh (tiếng nói không rõ nội dung; tiếng nói khen ngợi; tiếng nói bình phẩm; tiếng nói ra lệnh).
3.Tại sao lại mắc bệnh Rối loạn cảm xúc lưỡng cực?
Cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác của căn bệnh này. Tuy nhiên, qua các công trình nghiên cứu cho thấy có sự mất cân bằng sinh hóa trong não, đặc biệt là Norepinephrine, Serotonin và các hoạt hóa chất khác. Qua tiếp xúc lâm sàng tâm lý cho thấy, các nguyên nhân tâm lý làm khởi phát bệnh như: sang chấn/biến cố lớn trong cuộc sống; áp lực; bị xúc động hay kích động mạnh và chủ yếu là cảm xúc giận dữ và vui.
4.Làm gì khi mình hoặc người thân của mình bị Rối loạn cảm xúc lưỡng cực?
Ở giai đoạn trầm cảm bệnh nhân/khách hàng thường có khuynh hướng tự tử và ngược lại ở giai đoạn hưng cảm bệnh nhân/khách hàng có khuynh hướng kích động hoặc làm tổn hại đến người khác. Người thân không nên kích động bệnh nhân/khách hàng thay vào đó hãy tìm cách đưa họ nhập viện để được điều trị là yêu cầu bắt buộc để an toàn cho bản thân và người khác. Một số trường hợp cần phải áp tải bệnh nhân/khách hàng nhập viện. Người nhà của bệnh nhân//khách hàng cần phải theo dõi và kiểm soát việc uống thuốc của bệnh nhân/khách hàng vì bệnh nhân/khách hàng thường không chịu uống thuốc và lén bỏ thuốc. Giao tiếp với bệnh nhân/khách hàng nhẹ nhàng, tránh các kích động mạnh, đặc biệt là giận dữ.
5.Làm thế nào để điều trị Rối loạn cảm xúc lưỡng cực?
Vấn đề điều trị cho bệnh nhân/khách hàng có TLCX lưỡng cực cần có sự phối hợp giữa Liệu pháp hóa dược và Liệu pháp tâm lý. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân/khách hàng cần được điều trị bằng thuốc để ổn định cả về thực thể và tinh thần. Sau đó, bệnh nhân/khách hàng cần được điều trì bằng tâm lý với mục tiêu giảm stress, giải tỏa cảm xúc tiêu cực, tư duy tích cực, xây dựng kế hoạch chăm sóc bản thân… và đặc biệt là cải thiện khả năng kiểm soát cảm xúc. Nếu bạn hay người nhà có các dấu hiệu của RLCXLC hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ khi cần thiết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét