Rối loạn ám ảnh cưỡng chế


1.Rối loạn ám ảnh-cưỡng chế là gì?




Rối loạn ám ảnh-cưỡng chế (OCD - Obsessive-Compulsive Disorder) là một dạng thuộc nhóm Rối loạn lo âu. Người bị bệnh này có những ý nghĩ (bị ám ảnh) hoặc hành vi lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa nhưng không có khả năng kiểm soát (bị cưỡng chế) chúng.
Ví dụ: Bệnh nhân rửa tay thường xuyên, rửa rất kỹ và thời gian kéo dài/1 lần rửa và rửa nhiều lần trên ngày vì sợ bẩn, sợ bị lây bệnh hoặc bệnh nhân nghi ngờ chưa khóa bếp ga hay chưa đóng cửa khi ra khỏi nhà nên có hành vi quay lại kiểm tra nhiều lần hoặc những suy nghĩ, yêu cầu quá hoàn hảo, quá kỹ tính....Những ý nghĩ và hành vi này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động/học tập và các hoạt động sống khác của bệnh nhân.
2. Liệu tôi hoặc người thân có đang bị Rối loạn ám ảnh cưỡng chế không?
Tham khảo các dấu hiệu sau theo tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-IV của Hội Tâm thần học của Mỹ sẽ giúp bạn trả lời được câu hỏi này. Nếu bạn hoặc người thân hiện diện 1 trong 2 yếu tố ám ảnh hay cưỡng chế:
-  Ám ảnh: Bệnh nhân có xuất hiện những ý nghĩ mang tính ám ảnh hoặc cưỡng chế dẫn đến tình trạng lo lắng quá mức về tình hình hiện tại của bản thân. Những lo lắng này không những là những lo toan thường ngày của cuộc sống mà đôi khi chỉ là những vấn đề rất nhỏ như: sợ bẩn, sợ bệnh…Bệnh nhân cũng biết rằng việc đó là do tự mình suy nghĩ, tự làm chứ không phải là do người khác áp đặt/sai khiến. Bệnh nhân tìm cách phớt lờ, trung hòa hay dẹp bỏ các ý nghĩ đó bằng một hành động khác.
-  Cưỡng chế: Bệnh nhân có những hành vi lặp đi lặp lại (rửa tay, kiểm tra, ra lệnh…), cảm thấy mình bị thúc đẩy làm như thế một cách cứng nhắc để ngan cản, xóa tan yếu tố ám ảnh. Ví dụ: Rửa tay liên tục (hành động bị cưỡng chế) vì sợ bẩn sẽ lây bệnh (ý nghĩ ám ảnh).
-  Có những lúc, bệnh nhân vẫn nhận ra rằng những ý nghĩ ám ảnh và hành vi của mình là quá mức bình thường và vô lý.
-  Những ý nghĩ ám ảnh và hành vi của bệnh nhân làm mất nhiều thời gian, gây ra cảm giác hoang mang, lo lắng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sống của bệnh nhân.
-  Các ý nghĩ ám ảnh và hành vi này không phải là hệ quả của việc lạm dụng một chất (chất kích thích, gây nghiện, thuốc men…) hay 1 bệnh khác gây nên.
3.Điều trị cho bệnh nhân có Rối loạn ám ảnh cưỡng chế như thế nào?
Quá trình điều trị phối hợp giữa Liệu pháp hóa dược và Liệu pháp tâm lý mang lại hiệu quả khá tốt cho người bệnh. Thông thường, Trị liệu theo cách tiếp cận hành vi mà cụ thể là phương pháp Giải cảm ứng hệ thống là hướng đi khá tốt cho những bệnh nhân bị Rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
4.Làm gì khi bạn hoặc người thân bị Rối loạn ám ảnh cưỡng chế?
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế làm cho bệnh nhân rất đau khổ, khó chịu và bệnh có thể kéo dài nhiều năm trong đời sống. Nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ có khuynh hướng trầm trọng hơn và bệnh nhân không thể làm được việc gì ngoài những hành vi mang tính lặp đi lặp lại để xua tan ám ảnh. Tuy nhiên, các bệnh nhân bị Rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường không thừa nhận mình mắc bệnh vì họ cảm thấy ngại, xấu hổ khi phải thừa nhận những ý nghĩ, hành vi mang tính ám ảnh, cưỡng chế này và chính điều này ngăn cản họ tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Nếu bạn hoặc người thân có các dấu hiệu trên thì nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các bác sĩ tâm thần, các chuyên gia tâm lý để được điều trị kịp thời.
                                                                                                      (Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Duy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét