Stress sau sang chấn và phương pháp can thiệp bằng tham vấn/trị liệu tâm lý


Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Duy
1.Stress sau sang chấn là gì?
Bạn đang sống vui vẻ và hạnh phúc, đột nhiên một ngày nọ bạn chứng kiến người yêu của bạn tay trong tay với người khác và nói lời chia tay với bạn, hay bạn nhận được tin/chứng kiến người bạn thân nhất/người mình thương yêu nhất đã mất sau một tai nạn, hoặc bạn sống sót sau một vụ bắt cóc, tai nạn máy bay, sóng thần, lũ lụt…
Bạn cảm thấy sốc và không thể tin vào mắt/tai mình khi nghe hoặc chứng kiến những điều trên…
Chúng có thể gây ra một sang chấn về mặt tâm lý hay còn gọi là tình trạng Stress sau sang chấn (Post Traumatic Stress Disorder).
Vậy Stress sau sang chấn là gì?
Stress sau sang chấn (PTSD) là những phản ứng về tâm sinh lý của bản thân sau một biến cố hay một sự kiện gây tổn thương mà chủ thể đã sống qua hoặc đã chứng kiến sự kiện đó dẫn đến những thay đổi về cảm xúc, hành vi cũng như biến đổi về hoạt động xã hội, nghề nghiệp của chủ thể.
2.Những dấu hiệu/triệu chứng cho thấy bạn đang trải qua Stress sau sang chấn
a)Về mặt cơ thể:
Bạn có thể bị buồn nôn hoặc tiêu chảy, hơi thở nông, thỉnh thoảng có những cơn co giật/ rùng mình, chóng mặt/ ngất xỉu, ớn lạnh/ đổ mồ hôi, dễ bị giật mình, bồn chồn, mệt mỏi, thay đổi cảm giác ngon miệng, trằn trọc khó đi vào giấc ngủ, thấy ác mộng, nhức đầu, hay nghiến răng trong khi ngủ và cảm thấy mình vụng về, lóng ngóng.
b)Về cảm xúc:
Những cảm xúc nổi trội: Sợ hãi, lo lắng, hoang mang, trầm, buồn, đau khổ, cảm thấy bất lực, tuyệt vọng hay bơ vơ, cảm thấy đờ đẫn, hay cáu kỉnh, giận giữ, bực bội vô cớ, cảm thấy mình có lỗi với người đã mất (mặc cảm sống sót), bị ám ảnh bởi những hình ảnh về sự kiện gây tổn thương, phủ nhận/không chấp nhận sự thật, cảm xúc không phù hợp và cảm thấy mình không đủ sức để vượt qua tình trạng đó.
c)Suy nghĩ & nhận thức:
Khó tập trung và khó khăn khi phải ra những quyết định, thiếu quyết đoán, giảm sút về trí nhớ, tâm trí choáng ngợp về sự kiện gây tổn thương, hay hồi tưởng và quá nhạy cảm.
d)Hành vi:
Chủ thể thường rút lui về mặt xã hội, im lặng, cảnh giác quá mức, dè dặt, hay nghi ngờ, cảm xúc bộc phát không kiềm chế được, tránh những suy nghĩ, những cảm xúc hay những tình huống có liên quan đến sự kiện gây tổn thương, thay đổi trong hoạt động giao tiếp, tình dục và có thể gia tăng việc sử dụng rượu, thuốc lá và các chất kích thích khác.
3.Diễn biến tâm lý của bản thân sau một sự kiện gây tổn thương
Sau một sự kiện gây tổn thương, chủ thể thường trải qua một chu trình 5 giai đoạn sau: (1) Phủ nhận/chối bỏ (Denial), (2) Giận dữ (Anger), (3) Mặc cả (Bargaining), (4) Trầm cảm (Depression), (5) Chấp nhận (Acception).
Giai đoạn thứ nhất, chủ thể thường sốc rất mạnh và chính vì sốc quá mạnh nên hình thành nên bức tường phòng vệ bằng cách không chấp nhận sự việc và cho rằng đó không phải là sự thật. Ví dụ: Một người nghe người yêu mình nói lời chia tay chủ thể có thể xuất hiện ngay ý nghĩ “Không, không thể như thế được, đó không phải là sự thật, tôi không muốn nghe điều đó”.
Ở giai đoạn thứ hai, giận dữ là cảm xúc chủ đạo. Giận dữ thường thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau như: gắt, không hài lòng, khó chịu, cáu ghắt, phẫn nộ, căm thù, nếu không kiểm soát được giận dữ chủ thể có thể có những hành vi phá hoại hay trả thù. Cảm xúc giận dữ không bộc lộ được sẽ được đẩy vào bên trong gây ra các triệu chứng đau về thực thể và có thể dẫn đến hành vi tự huỷ hoại bản thân hoặc tuyệt vọng và tự tử. Ý tưởng hay hành động toan tự tử thường xuất hiện ở giai đoạn này. Ngoài ra, giai đoạn này còn xuất hiện sự khiển trách, khiển trách người khác tại sao lại làm như thế và khiển trách cả bản thân mình nhưng bề ngoài chủ thể thường đỗ lỗi cho đối phương “Tất cả là lỗi của anh ấy”. Xen kẽ vào đó là cảm xúc chán ngán khi cơn giận dữ lặng xuống.
Giai đoạn thứ ba, mặc cả đóng vai trò chủ đạo nên được gọi là giai đoạn mặc cả. Khi giận dữ lắng xuống, chủ thể bắt đầu mặc cả. Chủ thể thường có ý nghĩ “giá như mình tốt hơn thì anh ấy sẽ không nói lời chia tay với mình”, “nếu như mình ngăn không cho cô ấy đi hay mình đi thay cho cô ấy thì cô ấy sẽ không chết như thế”, “chỉ cần anh ấy quay lại với tôi, muốn gì tôi cũng chiều”, “em sẽ sống tốt hơn và yêu thương anh hơn, làm ơn đi mà”… Sự mặc cả còn thể hiện qua những điều ước của chủ thể và thậm chí là qua những giấc mơ. Ở giai đoạn này, chủ thể cố gắng tìm mọi cách để lấy lại sự kiểm soát, nếu bị cản trở chủ thể sẽ có hành động phá hoại đồng thời chủ thể ngăn bản thân mình đương đầu với thực tế. Nhìn chung sự mặc cả của chủ thể nhằm mục đích chính là cố gắng trì hoãn những gì đang xảy ra và cố gắng kiểm soát những gì không kiểm soát được.
Cảm xúc giận dữ không bộc lộ được và thất bại trong việc mặc cả chủ thể sẽ rơi vào trầm cảm. Những biểu hiện trầm cảm của chủ thể giống với những thân chủ có rối loạn trầm cảm. Cảm xúc cơ bản của chủ thể ở giai đoạn này là: buồn, đau khổ, chán nản, tuyệt vọng và xuất hiện mặc cảm tội lỗi. Chủ thể nhận lấy tất cả tội lỗi về bản thân mình và cảm thấy mình có lỗi với cái chết của người khác.
Và giai đoạn cuối cùng là chấp nhận. Chấp nhận không có nghĩa là chủ thể vượt qua được vấn đề. Biểu hiện của giai đoạn chấp nhận có thể có nhiều mức độ: có thể chủ thể thích nghi và hoàn toàn vượt qua vấn đề, bắt đầu lấy lại cảm giác thoải mái trong cuộc sống, học được những kỹ năng đối phó với vấn đề, ngưng việc tránh né những dấu hiệu có liên quan đến mất mác hay những gì gợi lại sự mất mác, ngoài ra cũng có thể là chấp nhận quá khứ, chấp nhận cuộc sống như nó vốn có, chấp nhận hoàn cảnh hiện tại của bản thân, chấp nhận mất mát của bản thân và đầu hàng thực tế.
4.Những vấn đề cần chú ý khi bạn đang trải qua tình trạng Stress sau sang chấn
Tất cả mọi người đều trải qua sự mất mác của người thân, sự chia tay của người yêu,… tuy nhiên không phải ai cũng rơi vào tình trạng Stress sau chấn thương. Nếu bạn đang trải qua tình trạng trên cần chú ý đến những vấn đề sau:
a)Những điều bạn nên làm:
- Hãy cho bản thân bạn thời gian: Bạn cần một khoảng thời gian từ vài tuần hay vài tháng để chấp nhận những gì đã xảy ra và học cách sống chung với chúng.
- Hãy chăm sóc bản thân bạn: Điều quan trọng là nghỉ ngơi, ăn ngon và tập thể dục đều đặn để giải toả những cảm xúc bị dồn nén và chứng Stress. Thể dục sẽ giúp bạn hưng phấn và thoải mái hơn. Tạm ngưng những quyết định gây Stress không cần thiết. Đừng ép buộc bản thân làm những việc mà bạn cảm thấy khó chịu. Nếu bạn thấy cần, hãy dành thời gian để ở một mình hay ở với người khác. Bạn phải nhớ rằng, ngay cả bạn cũng không tôn trọng, không yêu thương chính mình thì sẽ không ai tôn trọng và yêu thương bạn.
- Hãy nói với bạn rằng nó sẽ qua: Từng tí từng tí một, hãy để bản thân bạn nghĩ về sự kiện gây chấn thương và nói chúng với người khác. Đừng lo lắng về việc bạn khóc trong khi nói, đó là điều tự nhiên và thường thì chúng có ích cho bạn. Tiến hành từng bước, từng bước một sao cho bạn cảm thấy thoải mái.
- Hãy khám phá những gì đã và đang xảy ra: Vấn đề sẽ tốt hơn khi bạn đối diện với thực tế về những gì đã xảy ra còn hơn là tự hỏi về những gì có thể xảy ra. Có thể vấn đề sẽ trở nên có ích khi bạn trải qua một sang chấn hay mất mát vì trải nghiệm này có thể giúp bạn xem xét lại điều gì là thật sự quan trọng với bạn, đó là một cơ hội để thay đổi và để trân trọng hơn những gì xung quanh bạn. Với nhiều người, sống sót sau một cơn khủng hoảng có thể giúp họ thêm tự tin. Họ biết rằng họ đủ sức để xoay sở được trong những tình huống vô cùng khó khăn và có thể dẫn đến việc họ tin rằng: “nếu tôi đã vượt qua được thì tôi có thể vượt qua bất cứ khó khăn nào!”
- Tìm kiếm sự hỗ trợ: Bạn đừng ngại khi chia sẻ cảm xúc của mình với người khác. Điều đó sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và nhẹ nhõm hơn. Gia đình và bạn bè là những nguồn hỗ trợ cần thiết. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc giải quyết vấn đề thì nên đến các trung tâm tham vấn và trị liệu tâm lý. Các chuyên gia Tâm lý với kiến thức chuyên môn và sự làm việc chuyên nghiệp của họ sẽ giúp bạn giải quyết được vấn đề.
b)Những điều không nên làm:
- Không nên kiềm nén cảm xúc của bạn: Bạn có những cảm xúc mạnh, đó là những phản ứng bình thường trước sự cố, đừng quá lo lắng hay bối rối về chúng. Kiềm nén cảm xúc sẽ làm bạn tồi tệ hơn và điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của bạn. Hãy để bản thân mình nói về những gì đang xảy ra và bạn đang cảm thấy như thế nào. Bạn hãy khóc khi mình có thể, khóc sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Dồn nén cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc giận dữ sẽ nhanh chóng dẫn đến tình trạng trầm cảm.
- Không nên uống bia, rượu, ma tuý hay lạm dụng các chất kích thích khác: Bia, rượu, ma tuý và các chất kích thích khác có thể giúp bạn tạm thời quên đi tất cả nhưng hết say rồi lại tỉnh, đó không phải là cách giải quyết tận gốc của vấn đề, ngược lại chúng có thể khiến bạn mệt mỏi, kiệt sức, dễ dàng dẫn đến trầm cảm và nghiện ngập.
- Không nên đưa ra những quyết định lớn làm thay đổi cuộc sống: Quyết định những việc nhỏ trong giai đoạn này sẽ giúp bạn lấy lại sự quyết đoán và sự tự tin, tuy nhiên nếu đưa ra những quyết định tạo ra những thay đổi quá lớn về cuộc sống của bạn sẽ không tốt cho bạn vì lúc này bạn khó đưa ra các quyết định sáng suốt như lúc bình thường.
- Đừng nghe theo những lời khuyên của bạn bè và người thân: Bạn bè và người thân trong gia đình là một nguồn lực rất lớn có thể giúp bạn vượt qua vấn đề. Họ có thể lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ bạn. Tuy nhiên, những lời khuyên của họ chưa chắc là tốt và phù hợp cho bạn. Họ là những người cùng trang lứa với bạn nên kinh nghiệm và vốn sống của họ cũng không hơn nhiều so với bạn, không có chuyên môn và điều đó có thể sẽ khiến bạn cảm thấy rối hơn khi nhận quá nhiều lời khuyên. Hãy tìm đến những người lớn tuổi như: ông, bà, cha mẹ và các chuyên gia Tâm lý, đó là những nơi có thể giúp bạn vượt qua vấn đề của mình.
5.Cách thức tham vấn tâm lý cho thân chủ có Strees sau sang chấn
Tham vấn tâm lý cho những thân chủ có Stress sau sang chấn (PTSD) cũng tiến hành tương tự như một ca tham vấn thông thường. Tuy nhiên, kiểu tham vấn này cũng có những đặc trưng riêng. Trong quá trình tham vấn tâm lý, nhà tham vấn cần phải chú ý đến những vấn đề sau:
Hỏi, hỏi và hỏi thật nhiều về sự kiện gây ra sang chấn: Điều này giúp cho thân chủ bộc lộ được cảm xúc của họ đã dồn nén bấy lâu nay. Cần tập trung chính vào cảm xúc của thân chủ, họ đã cảm thấy thế nào, họ đã phản ứng ra sao… Làm tốt vấn đề này sẽ thuyên giảm rất nhiều triệu chứng và tiến trình tham vấn sẽ thuận lợi rất nhiều.
Lắng nghe và đưa ra những đáp ứng và những phản hồi thích hợp: Lắng nghe là một kỹ năng cự kỳ quan trọng trong bất kỳ loại hình tham vấn nào. Giúp thân chủ nhận biết sự việc xảy ra là tất yếu và tất cả mọi người đều phải trải qua nó trong đời và bạn sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng giúp đỡ họ vượt qua khó khăn này.
Tìm hiểu kỹ tiểu sử gia đình: Đây là một bước cực kỳ quan trọng trong tiến trình làm tham vấn cho những thân chủ loại này. Không phải tất cả mọi người đứng trước một sự kiện gây ra sang chấn đều gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề. Những thân chủ không thể vượt qua vấn đề thường có căn nguyên từ trong quá khứ. Nghĩa là trước đây họ đã trải qua tình trạng này một lần rồi và lần đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến họ. Trong Tâm lý trị liệu gọi đấy là “Vết thương thứ nhất hay tổn thương đầu tiên”. Vết thương đầu tiên này thường xảy ra ở thời thơ ấu của thân chủ. Nhiệm vụ của tham vấn viên là tìm hiểu căn nguyên sâu xa của vấn đề hay nói cách khác là phải đi tìm cho được vết thương thứ nhất của thân chủ và giúp thân chủ nhận ra rằng trước đây họ đã trải qua một sang chấn tương tự.
Giúp thân chủ nhận biết diễn biến cảm xúc của bản thân khi trải qua sang chấn và nhận diện giai đoạn mắc kẹt: Như đã trình bày ở trên, thông thường với loại thân chủ này sẽ trải qua 5 giai đoạn. Tham vấn viên phải giúp thân chủ nhận diện cảm xúc của từng giai đoạn mà họ đã trải qua và họ đang mắc kẹt ở giai đoạn nào. Việc xác định giai đoạn mắc kẹt đóng vai trò rất quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược can thiệp của nhà tham vấn. Sau khi xác định một cách chính xác giai đoạn mắc kẹt hãy giúp thân chủ hoàn tất giai đoạn đó để đến với giai đoạn cuối cùng của chu kỳ.
Sử dụng thật tốt hệ thống hỗ trợ của thân chủ: Hệ thống hỗ trợ ở đây có thể là bạn bè, gia đình và người thân, đặc biệt là những người cùng chứng kiến hay cùng cùng trải qua sang chấn nhưng họ không bị ảnh hưởng lớn như thân chủ. Tham vấn viên có thể mời những người đó làm liệu pháp nhóm (Group Therapy) để thân chủ có thể nhận ra và học hỏi được những bài học kinh nghiệm và những kỹ năng ứng phó từ người khác cùng trải qua sang chấn đó.
Hướng dẫn thân chủ cách bộc lộ cảm xúc bằng kỹ thuật “I Statement”: Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng thân chủ loại này cảm thấy khó khăn khi giải quyết vấn đề là sự dồn nén về cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc giận dữ. Tham vấn viên phải giúp thân chủ bộc lộ cảm xúc một cách an toàn sao cho không ảnh hưởng, không làm tổn thương người khác mà cũng không để người khác làm tổn thương đến thân chủ. Kỹ thuật “I Statement” có thể làm được điều đó. Nội dung cốt lõi của phương pháp này là bày tỏ cảm xúc bằng câu “Tôi cảm thấy…”, chú trọng đến cảm xúc và không bình phẩm, không chê bai, không chỉ trích, không đánh giá đối phương, điều này có thể làm triệt tiêu sự phòng vệ của đối phương. Tham vấn viên phải từng bước, từng bước giúp thân chủ thực hiện kỹ thuật này. Đầu tiên, tham vấn viên có thể lấy ví dụ minh hoạ kỹ thuật này cho thân chủ hiểu rõ, tiếp theo tham vấn viên hãy sắm vai (Role Play) cùng thân chủ, cho thân chủ về nhà thực hành trước gương nhiều lần đến khi nào thành thạo hãy áp dụng rộng rãi kỹ thuật này trong đời sống để tạo ra những thay đổi tích cực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Diagnostic Criteria from DSM-IV TM, Published by the American Psychiatric Association Washington, DC.
2.http://www.rcpsych.ac.uk/mentalhealt...sdisorder.aspx, How to cope after a traumatic event.
3.Sharon L. Johnson, Therapist’s guide to clinical intervention-the 1-2-3’s of treatment planning, Academic Press.
4.Quá trình thực hành lâm sàng dưới sự hướng dẫn trực tiếp của TS. Libby Zinman Schwartz.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét