HỆ THỐNG HỖ TRỢ CỦA BẢN THÂN


“…Tôi là một người vui tính, yêu đời, thích lãng mạn, sự chân thành và luôn mong muốn được tôn trọng. Vì thế, tôi có khá nhiều bạn bè. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp rất thích và yêu quý tôi. Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua, cho đến một ngày, tôi yêu anh, tôi đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình.

Tôi không còn thường xuyên gọi điện cho ba mẹ như trước nữa. Những buổi họp lớp cứ thưa dần, những lần gặp nhau cuối tuần cùng nhóm bạn thân uống cà phê, nấu ăn, những chuyến du lịch ngắn, … tôi cũng không còn có mặt. Bạn bè tôi bắt đầu nhận ra sự thay đổi ở tôi và có những lời khuyên, khuyên không được nên trách tôi sao vội “theo tình bỏ cuộc chơi”. Tôi lờ đi những lời ghen tị của chúng bạn. Với tôi, anh là tất cả. Tôi sẵn sàng chiều anh với tất cả những gì anh muốn, miễn anh vui là tôi cảm thấy hạnh phúc. Vì anh, tôi sẵn sang đánh đổi mọi thứ trên đời này.

Cho đến một ngày, tôi nhận được một tin mà có thể cả cuộc đời này tôi không thể quên được ngày định mệnh ấy từ em gái anh. Cô ấy bào rằng “anh sắp lập gia đình” và chửi tôi ngu muội mới bị lừa, tôi không đủ tư cách làm chị dâu của cô ấy và khuyên tôi hãy quên anh ấy đi. Tôi bàng hoàng, thảng thốt và chết lặng đến sững cả người. Tôi không biết bày tỏ cùng ai nỗi đau này, tôi ngại gặp bạn, mà cũng chẳng ai để ý đến một đứa bạc bẽo như tôi. Tôi cũng không thể chia sẻ với bố mẹ của mình.

Vì không tự mình vượt qua cú sốc quá lớn này, tôi mới tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý. Trong tiến trình trị liệu tâm lý tôi đã nhận ra nhiều điều, đặc biệt tôi đã đánh mất đi chính mình khi yêu và phá hủy cả hệ thống hỗ trợ của bản thân.

Hệ thống hỗ trợ của bạn là gì?

Hệ thống hỗ trợ là tập hợp những thành viên có mối quan hệ tốt đẹp, yêu thương, quý trọng và chân thành với bạn, sẵn sàng hỗ trợ về vật chất, tinh thần trong những lúc bạn gặp khó khăn hay cần sự giúp đỡ.

Tại sao bạn cần phải có hệ thống hỗ trợ?

Vẫn biết rằng, chúng ta không thể chọn người khác làm điểm tựa vĩnh viễn, chỉ có tựa vào chính mình mới là điểm tựa vững chắc nhất. Tuy nhiên, những lúc yếu lòng, chán nản, mệt mỏi, thất bại, lo lắng, sợ hãi, …những điểm tựa tạm thời trong hệ thống hỗ trợ của bạn sẽ giúp bạn đứng vững trước sóng gió của cuộc đời và tiếp tục tiến bước. Một cái cây đứng độc lập có thể bị bão táp quật ngã nhưng xung quanh cây ấy còn nhiều cây khác thì bão táp có lớn cỡ nào cũng không dễ gì quật gốc. Đó là giá trị thật sự từ hệ thống hỗ trợ của bạn.

Hệ thống hỗ trợ bao gồm những ai?

Chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội, tôn giáo/lãnh tụ tôn giáo, thầy/cô giáo mà bạn kính trọng, ba mẹ, anh/chị/em, chồng/vợ, người thân, người yêu, người tình, bạn thân, đồng nghiệp tin cậy, … là những điểm tựa tạm thời trong hệ thống hỗ trợ của bạn.

Làm thế nào để xây dựng hệ thống hỗ trợ của bạn?

Điều đâu tiên là bạn phải thấy vai trò và tầm quan trọng của hệ thống hỗ trợ đối với sự phát triển của bản thân. Bước tiếp theo là tiến hành hành động để thiết lập mối quan hệ với các đối tượng này. Trong 4 tương giao (I’m OK-You’re OK; I’m OK-You’re not OK; I’m not OK-You’re OK; I’m not OK-You’re not OK) thì chỉ có tương giao thứ nhất có thể duy trì và phát triển được mối quan hệ. Bạn hãy suy ngẫm thêm về điều này và quan sát chúng trong cuộc sống, bạn sẽ thấy chúng khá thú vị. Giữ kết nối thường xuyên với các thành viên trong hệ thống hỗ trợ này. Cuối cùng, bạn cần phải thường xuyên chăm sóc hệ thống hỗ trợ của mình theo cách gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông (điện thoại, tin nhắn, email, facebook, …) hoặc trực tiếp. Bạn đã có hệ thống hỗ trợ của mình chưa? Nếu có, hãy tiếp tục duy trì và phát triển nó, nếu chưa bạn hãy thận trọng suy nghĩ về điều này nhé.

Chỉ có tựa vào chính mình mới là điểm tựa vững chắc và ổn định nhất. Tuy nhiên, hệ thống hỗ trợ của bạn sẽ là điểm tựa tạm thời có tác dụng nâng đỡ, tái lập trạng thái cân bằng và củng cố sự phát triển vững chắc, ổn định của bạn.

(Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Duy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét